Cây Hoàng đàn , Gỗ Hoàng Đàn

Publish Date 30/09/2024
"
Cây Hoàng đàn có tên khoa học là Cupressus tonkinensis D. Don (tên khác là Cupressus tonkinensis Silba) , thuộc họ Trắc bách diệp - Cupressaceae. Phân bố hẹp ở các dải núi đá vôi cao chót vót chạy từ Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan đến Bắc Sơn (Lạng Sơn). Hoàng đàn còn có ở Thạch An (Cao Bằng), Na Hang (Tuyên Quang), nhưng hoàng đàn tập trung lớn nhất, lượng tinh dầu nhiều nhất là ở vùng núi đá vôi Hữu Lũng (Lạng Sơn). Hoàng đàn là nguồn gen quý hiếm, loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam(1996, 2007) và Danh mục Động thực vật rừng nguy cấp quý hiếm nhóm I (nhóm IA) trong nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Hiện nay, ở Lạng Sơn hiện chỉ còn 82 cây Hoàng đàn của 44 hộ gia đình và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên trồng từ năm 1990 tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng), Vạn Linh (Chi Lăng). Những cây trên đều có chiều cao từ 2 đến 5m và đường kính gốc từ 3 đến 16cm.Hoàng đàn mọc trong tự nhiên được xác định chỉ còn 27 cây (trong đó có hai cây đang có dấu hiệu bị chết). Tất cả các cây mọc tự nhiên có chiều cao vút ngọn và đường kính gốc nhỏ, trong đó chỉ có 6 cây có nón hạt. Theo quy chuẩn, loài Hoàng đàn Hữu Liên được xếp ở mức rất nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng.
\"\"
Cây hoàng đàn thuộc họ thông trong tự nhiên có dáng hình tháp rất đẹp. Hoàng đàn sinh trưởng rất chậm, khả năng tái sinh bằng hạt kém, dưới tán cây mẹ rất ít khi gặp cây con. Cây gỗ nhỡ, thường xanh, cao khoảng 15 - 20m, có đường kính thân đến 0,5m. Cây có đường kính 0,8 - 1m thì có tuổi thọ hàng trăm năm. Vỏ cây hoàng đàn màu xám nâu, nứt dọc. Bóc bỏ lớp vỏ ra là lớp thịt màu trắng, rồi đến lõi màu vàng, tỏa ra mùi thơm đặc trưng.
\"\"
Gỗ hoàng đàn thì phần rễ thường giá trị hơn phần thân cây, vì ở gốc rễ phần nhựa hoặc tinh dầu đậm đặc hơn. Tinh dầu hoàng đàn càng nhiều thì khả năng tạo ra tuyết càng dày, càng đậm đặc hơn. Thành phần chính của tinh dầu Hoàng đàn là sabinen (29,34%), α-pinen (25,4%), 4-terpinen (13,91%) và γ-terpinen (5,5%). Khi gỗ hoàng đàn qua thời gian, nếu bị khô kiệt không có khả năng tạo tuyết thì giá trị chỉ còn lại một phần mười giá trị gỗ tươi nhiều tinh dầu. Hoàng đàn là cho gỗ thẳng, có vân gỗ đẹp, chịu mối mọt. Gỗ Hoàng đàn thường sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ cao cấp.  Gỗ Hoàng Đàn có chứa tinh dầu có mùi thơm đặc trưng, tinh dầu trong gỗ có tác dụng xua đuổi Gián, Chuột, Nhện và chống mối mọt rất hiệu quả. Mang mùi hương gỗ nồng ấm êm dịu giúp giảm căng thẳng, kích thích nhẹ nhàng, giúp sảng khoái, tạo cảm giác bình yên, thư thái, giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng thần kinh, giúp tái tạo nâng cao cảm giác hưng phấn.
 \"\"
Do việc khai thác quá nhiều từ 30 năm về trước nên Hoàng đàn mọc tự nhiên đã bị tiệt chủng hiện nay chỉ còn những cây gỗ nhỏ tại Hữu Liên. Hoàng đàn cùng với thủy tùng Đắc Lắc, bách vàng, bách xanh, bách tán Đài Loan là những loài cây có nguy cơ tiệt chủng, được gieo trồng và bảo vệ ở Khu bảo tồn thiên nhiên. Nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao đã làm cho số lượng giảm đi nhanh chóng, có nguy cơ biến mất do vậy rất cần có định hướng bảo tồn đúng đắn để phục vụ xã hội trong tương lai.
\"\"
\"\"
 
theo  blogcaycanh.vn
 

 

Hoàng đàn: Truyền thuyết về loại gỗ thánh thần (Kỳ 1)

 
Với hương thơm đặc biệt và sau hàng trăm năm vẫn giữ được mùi thơm quý phái, hoàng đàn được tôn sùng là gỗ của thánh thần. Cơn sốt hoàng đàn có lúc rạo rực, có lúc trầm lắng nhưng nó vẫn luôn được giới quý tộc săn lùng ráo riết từ vài chục năm nay.
Hương thơm trăm năm không phai


Cái tên hoàng đàn đã gợi lên sự cao quý, một cái tên đẹp vừa có thanh và có nhạc. Gỗ hoàng đàn quý lắm. Từ xưa đã là thứ gỗ chuyên được sử dụng để làm đồ tế tự, làm bài vị thánh thần. Vì sự quý hiếm và đắt đỏ của nó nên nhiều làng quê thậm chí chỉ đủ sức làm bài vị Đức thánh bà bằng gỗ hoàng đàn, còn bài vị Đức thánh ông thì phải chấp nhận làm bằng gỗ mít. Theo một số nhà nghiên cứu, hoàng đàn cũng chính là loại gỗ được dùng để làm các bài vị trong tông miếu của vua chúa triều Nguyễn.
Không chỉ là một loại gỗ tốt, mềm, dễ đục đẽo, bền mà điều làm nên đẳng cấp của hoàng đàn chính là do nó có mùi thơm rất đặc biệt. Anh Tâm, một tay buôn đồ gỗ, đồ cổ có tiếng ở Hà thành bảo với tôi rằng: "Sở dĩ người ta săn lùng hoàng đàn là vì nó có mùi thơm vô cùng độc đáo và quyến rũ. Gỗ sưa đắt là ở vân đẹp, biến hóa không ngừng, gỗ cứng như thép chứ mùi thơm chỉ thoang thoảng, phải thính mũi lắm mới nhận ra được, còn hoàng đàn chỉ cần bước vào nhà đã ngửi thấy ngay. Hương thơm của hoàng đàn có thể xếp vào hàng đệ nhị chỉ đứng sau trầm hương".


"Gỗ hoàng đàn rất thơm, trong hương thơm như có vị ngọt của sâm. Tiếp xúc ban đầu cho người ta cảm nhận đây là hương thơm bình dị dễ gần, không bị hắc như mùi ngọc am, nhưng khi đã quen rồi thì thấy nó sâu lắng, sang trọng, khó có hương thơm hóa học nào bì được", Trương Hoàng Tùng, người đã từng rao bán nhiều sản phẩm chế tác từ hoàng đàn trên trang web chuyên về đồ cổ, đồ gỗ Phomuaban.com cho biết.
Theo ông Đỗ Đức Hiền, làng nghề Đại Nghiệp (Phú Xuyên, Hà Nội) thì giá trị của hoàng đàn cũng không hoàn toàn do thị trường Trung Quốc ưa chuộng mà từ bản thân nó đã có những phần ưu việt mà ta không thể tìm thấy ở bất kỳ loại gỗ nào khác.
Tất cả các loại gỗ có hương thơm đều chung một nhược điểm là không lưu giữ được hương thơm theo thời gian, muốn có lại mùi ta phải bào đục hoặc dùng giấy giáp đánh qua phần vỏ gỗ đã bị phong hóa bên ngoài. Chỉ riêng  hương thơm của hoàng đàn có thể tồn tại hàng trăm năm. Đi qua một khu rừng hoàng đàn đã khai thác hết từ vài chục năm vẫn còn thấy mùi thơm vì lượng tinh dầu còn trong lòng đất. Chính vì lý do này nên bài vị của thánh thần, vua chúa bằng gỗ hoàng đàn được sơn son thiếp vàng mà sau hàng trăm năm, mỗi lần mở khám thờ vẫn thấy thoang thoảng hương thơm.
Giới buôn bán đồ gỗ đồn rằng, hoàng đàn là thứ chỉ dành cho vua chúa, chỉ những bậc đế vương mới được dùng. Trong hoàng cung, gỗ sưa được dùng để đóng các vật dụng như giường tủ, bàn ghế. Gỗ ngọc am (hoàng đàn rủ) được dùng làm quan tài ướp xác. Nhưng hoàng đàn lại có mùi thơm quyến rũ. Chả thế mà các cung tần mỹ nữ xưa hay dùng gỗ hoàng đàn làm chậu tắm nước nóng, hương thơm sẽ hòa quyện lên cơ thể với hương thơm da thịt mỹ nữ làm mê mẩn các bậc quân vương.
Biểu tượng quyền quý
Do tác động của kinh tế mở cửa, người dân Trung Quốc có thu nhập ngày một khấm khá và đặc biệt có nhu cầu hưởng thụ qua mua sắm. Việc sở hữu những tài sản quý, lạ trong nhà càng chứng tỏ sự giàu sang, sung túc, có đẳng cấp của chủ nhân. Chính vì vậy rất nhiều đại gia mới lên ở nước này đã không tiếc tiền chạy theo trào lưu mua sắm, trong đó có cả việc tậu những món đồ mỹ nghệ tinh xảo được chế tác từ gỗ hoàng đàn.
Chấp nhận những cái giá trên trời, một số lái buôn Trung Quốc từ lâu đã tích cực thu mua gỗ hoàng đàn của Việt Nam, mang về chế biến thành các đồ nội thất mỹ nghệ. Một số nhà giàu Trung Quốc còn coi hoàng đàn là biểu tượng của sự giàu sang phú quý, thể hiện đẳng cấp của người sở hữu, không chỉ xua đuổi được tà khí mà còn đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho chủ nhân. Có người còn cho rằng khi bốc mộ mà hài cốt của tổ tiên được xông qua lửa hoàng đàn thì xương sẽ có màu vàng óng, không bị mục nát và đem lại may mắn cho con cháu.
Ngoài ra hoàng đàn là một loài gỗ quý hiếm do hàng trăm năm trồng mới có thể sử dụng lại là loại cây có sức sống rất mãnh liệt trên núi đáỏ, nơi mà rất ít loại cây có thể tồn tại. Chỉ cần một kẽ nứt nhỏ, hoàng đàn sẽ nhú mầm mà vươn lên. Có người lại cho rằng khi đi ngủ nếu gối đầu bằng những chiếc gối được chế từ gỗ hoàng đàn sẽ tránh bị bóng đèõ, không gặp phải ác mộng...thậm chí có thể chữa được bách bệnh. Sách đỏ Việt Nam cho biết hoàng đàn được dùng trong một số trường hợp như sưng tấy, bong gân, bôi vết thương có tác dụng sát trùng...


Hoàng đàn được giới đồ gỗ biết đến là thứ gỗ làm đồ mỹ nghệ cực đẹp và không hề bị mối mọt, cong vênh. Một nguyên nhân nữa làm nên giá trị của những món đồ làm từ hoàng đàn là, sau một thời gian chúng được phủ một lớp bụi mỏng trắng như tuyết do chứa một hàm lượng tinh dầu lớn.
Anh Tùng cho biết: "Gỗ ngọc am cũng chứa tinh dầu và cũng có khả năng tạo tuyết. Nhưng tuyết của ngọc am giống như rêu mốc còn tuyết của hoàng đàn lại giăng ngang, giăng dọc giống như tơ nhện, lấp lánh như sương. Có lẽ vì thế ngọc am trước đây chủ yếu được dùng làm gỗ quan tài trong khi hoàng đàn dùng để chế tác những đồ vật giá trị hơn nhiều".
Do những đặc tính quý hiếm và có thể xếp vào hàng độc nhất vô nhị của mình nên hoàng đàn ngày càng bị tận diệt và thu mua ráo riết. Những cây gỗ lớn trong tự nhiên hầu như không còn. "Trên thị trường khối gỗ hoàng đàn có thể tích từ 8 kg đến vài chục kg thì cực hiếm, giá cả giao động khoảng 3-4triệu đồng một kg, còn rễ cây nhỏ cỡ chuôi dao cũng khoảng 600-800 nghìn đồng một kg. Pho tượng nhỏ xíu bằng ngón chân cái giá ba hoặc năm trăm nghìn là thường", nghệ nhân Đỗ Đức Hiền cho hay.
Chính vì giá trị lớn nên khi đục tượng hoàng đàn, người thợ mà thường phải là những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, bao giờ cũng đục để làm sao tránh hao gỗ nhất. Thường người ta chỉ tạc một mặt vì thường một pho tượng tứ diện (bốn mặt) sẽ tốn rất nhiều gỗ. Và thường là những đề tài thật giá trị rồi để ở những vị trí trang trọng nhất trong nhà, phần lớn gỗ hoàng đàn được làm thành Phật bà hoặc những nhân vật quan trọng khác chứ hầu như không được dùng để tạo tác tượng con giống hoặc thiếu nữ. Ngay cả phần vụn gỗ rơi ra cũng được tận dụng để bán cho những làng làm trầm hương.
Bí quyết tạo tuyết khi chế tác sản phẩm từ gỗ hoàng đàn là tuyệt đối không được dùng giấy giáp, thay vào đó là dùng đục sắc gọt nhỏ nét. Nhược điểm của gọt từ đục là đường nét không mịn màng, thiếu sinh động nên khi chế tác tượng người ta chỉ đánh giáp nơi khuôn mặt,  vì vậy tuyết đa phần mọc ra từ phần kín của tượng như kẽ nách vạt áo. Ngoài ra, tuyết chỉ tạo thành khi môi trường kín gió nên khi làm xong pho tượng, người nghệ nhân phải nhanh chóng bọc vào nilon hoặc úp vào lồng kính hay lọ thủy tinh.
Cuộc chạy đua của các đại gia trong việc sở hữu những tác phẩm chế tác từ hoàng đàn tuy không công khai nhưng vẫn âm thầm diễn ra. Tuy nhiên, theo anh Trần Đức Thuấn, Giám đốc công ty TNHH Công thương Hưng Long (Lạc Long Quân, Hà Nội) vốn được xưng tụng là vua đồ gỗ đất Bắc thì: "Đánh vào sở thích của người tiêu dùng, thị trường đồ nội thất bằng gỗ hoàng đàn cũng có nhiều sản phẩm thật giả lẫn lộn, khiến người mua nhiều lúc nhầm lẫn, khó nhận biết. Yếu tố chính để phân biệt hoàng đàn chính là mùi hương nhưng gỗ có thể được tẩm dầu thơm khiến nhiều người khó nhận ra được".

Hoàng đàn: Truyền thuyết về loại gỗ thánh thần (Kỳ 2)
 

"Toàn bộ rừng hoàng đàn mọc tự nhiên trên triền núi đá đã bị tuyệt diệt bởi chiến dịch mua bán nông sản ồ ạt của thương nhân nước ngoài.
Giữa lúc đói khổ, cơm không đủ no thì cái giá 60 - 80 đồng/kg hoàng đàn (lúc đó một con trâu có giá chỉ 30 nghìn đồng) đã làm cho bao người lóa mắt".

Loài cây đặc hữu

Xung quanh gỗ hoàng đàn có quá nhiều huyền thoại, tôi đã tìm lên xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), nơi từng được mệnh danh là vương quốc hoàng đàn để tìm hiểu thêm. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở Việt Nam, cây hoàng đàn còn có ở Thạch An (Cao Bằng), Na Hang (Tuyên Quang), nhưng hoàng đàn tập trung lớn nhất, lượng tinh dầu nhiều nhất là ở vùng núi đá vôi Hữu Lũng (Lạng Sơn). Ngay từ năm 1989, ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã được thành lập, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ những loài động, thực vật đặc hữu vô cùng quý hiếm là rùa vàng, hươu xạ và đặc biệt là hoàng đàn.

Bí thư Đảng ủy xã Hữu Liên cho chúng tôi biết: "Đã có thời, suốt dọc sườn đông của dãy Cai Kinh là hoàng đàn. Cánh rừng hoàng đàn kéo dài có khi đến cả vài cây số, suốt bốn xã là Yên Sơn, Yên Thịnh, Hữu Lễ và Hữu Liên. Thế nhưng, không phải chỗ nào hoàng đàn cũng mọc, cũng sống. Hoàng đàn chỉ mọc, chỉ sống ở các khe núi đá vôi có độ cao ước chừng 300 - 700m. Ở đó, khí trời ẩm ướt, nước khan, nhiệt độ thấp, mùa hè cũng chỉ 20 - 21oC. Và ngay cả trên dãy núi Cai Kinh cũng chỉ có sườn đông là xuất hiện hoàng đàn, còn sườn tây tuyệt nhiên không có. Kén đất, kén khí hậu lại sinh trưởng ở những kẽ đá vôi vốn vô cùng nghèo chất dinh dưỡng nên hoàng đàn có sức sống vô cùng mãnh liệt...".

Theo Th.S Phạm Văn Thế, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện khoa học công nghệ Việt Nam) thì hoàng đàn thuộc họ thông trong tự nhiên có dáng hình tháp rất đẹp. Hoàng đàn sinh trưởng rất chậm, khả năng tái sinh bằng hạt kém, dưới tán cây mẹ rất ít khi gặp cây con. Cây gỗ nhỡ, thường xanh, cao khoảng 15 - 20m, có đường kính thân đến 0,5m. Cây có đường kính 0,8 - 1m thì có tuổi thọ hàng trăm năm. Vỏ cây hoàng đàn màu xám nâu, nứt dọc. Bóc bỏ lớp vỏ ra là lớp thịt màu trắng, rồi đến lõi màu vàng, tỏa ra mùi thơm đặc trưng.

"Gỗ hoàng đàn thì phần rễ thường giá trị hơn phần thân cây, vì ở gốc rễ phần nhựa hoặc tinh dầu đậm đặc hơn. Tinh dầu hoàng đàn càng nhiều thì khả năng tạo ra tuyết càng dày, càng đậm đặc hơn. Khi gỗ hoàng đàn qua thời gian, nếu bị khô kiệt không có khả năng tạo tuyết thì giá trị chỉ còn lại một phần mười giá trị gỗ tươi nhiều tinh dầu. Có hai loại hoàng đàn, đó là hoàng đàn tía (màu thâm đen chứa nhiều hàm lượng tinh dầu nhiều hơn nên chìm trong nước) và hoàng đàn xốp (lượng tinh dầu ít hơn nên khi thả vào nước nổi lơ lửng)", ông Hoàng Minh Luật cho biết.

Tàn sát đại ngàn

Hoàng đàn Hữu Liên có tên khoa học là Cupressus tonkinensis Silba, đã được người Pháp biết đến và khai thác để lấy tinh dầu từ hàng trăm năm trước. Mỗi năm, người Pháp khai thác đến hàng nghìn tấn hoàng đàn để nấu dầu. Nhưng cuộc tàn sát những cánh rừng hoàng đàn chỉ thực sự diễn ra cách đây hai, ba chục năm. Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, việc khai thác loại gỗ quý hiếm này trở nên sôi động và quyết liệt hơn.

"Toàn bộ rừng hoàng đàn mọc tự nhiên trên triền núi đá đã bị tuyệt diệt bởi chiến dịch mua bán nông sản ồ ạt của thương nhân nước ngoài. Giữa lúc đói khổ, cơm không đủ no thì cái giá 60 - 80 đồng/kg hoàng đàn (lúc đó một con trâu có giá chỉ 30 nghìn đồng) đã làm cho bao người lóa mắt. Người ta kéo nhau lên rừng chặt hạ hoàng đàn hàng loạt", ông Hoàng Minh Luật nhớ lại.

Những gốc cây hoàng đàn xù xì, to lớn đến vài ba người ôm, những thân cây hoàng đàn có tuổi đến hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm đã theo các tay buôn xuôi về Hà Nội, Quảng Ninh rồi xuất đi đâu không rõ. Chính bản thân ông Luật cũng đã từng hạ một cây hoàng đàn nặng tới 2,6 tấn, có đường kính xấp xỉ 1m. Theo ông Luật, cứ nhìn cây hoàng đàn trồng trong vườn suốt ba mươi năm mới cao chưa đầy chục mét, đường kính gốc chỉ hơn 20cm, mới biết cây hoàng đàn ông trót chặt đi ngày ấy phải có tuổi đến cả vài trăm năm.

"Đến những năm 90, số lượng cây hoàng đàn ở khu rừng đặc dụng Hữu Liên chỉ còn rải rác trên vách đá cheo leo. Tuy nhiên, bất chấp cả nguy hiểm, nhiều người vẫn trèo lên những vách đá dựng đứng để đào lấy rễ loại cây quý này đem bán. Người ta cầm theo những cái thuốn sắt dài khoảng 1,5m chọc sâu quãng lèn đá. Gặp rễ hoàng đàn, có tiếng kêu kịch một cái, rút xăm lên, nếu mũi xăm ươn ướt, thơm dìu dịu là đúng rễ hoàng đàn. Lúc đó, cả bọn xúm lại dùng cuốc chim và xà beng, đào đào bới bới", ông Luật cho biết.

Sự thay da đổi thịt do hoàng đàn mang lại còn chưa rõ, nhưng điều người ta thấy rõ nhất là những cánh rừng hoàng đàn đã một thời xanh tốt giờ đây vắng bóng trên những dãy núi đá vôi. Và những cái giá phải trả cho cuộc săn tìm hoàng đàn là quá lớn. Đã có ít nhất 18 người chết. Có người về không kịp nên bị sét đánh, có người lạc đường trượt chân xuống vực thẳm và phần lớn là bị đá đè. Đau đớn nhất là trường hợp con trai của ông B.Đ (xã Vạn Linh) đang chuẩn bị cưới vợ thì bị đá đè chết trong khi đi tìm hoàng đàn.

Giữ nguồn gen quý hiếm

Hoàng đàn Hữu Liên cùng với thủy tùng Đắc Lắc, bách vàng, bách xanh, bánh tán Đài Loan là 5 loài cây có nguy cơ tuyệt chủng, được gieo trồng, bảo vệ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (Hà Giang). Hơn mười năm qua, nhiều cán bộ của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đã dành thời gian, công sức để tìm kiếm cây hoàng đàn Hữu Liên còn sót lại trong tự nhiên. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, hiện chỉ còn khoảng 25 cây tồn tại ngoài tự nhiên, nhưng tất cả đều là những cây nhỏ, không đáng để khai thác gỗ hoặc tinh dầu.

Anh Hoàng Văn Quýnh, một người đã từng nhiều năm leo trèo khắp sườn núi để tìm hoàng đàn cũng cho hay: "Chỉ có những cây nằm ở vị trí cheo leo, để trèo lên lấy được, chỉ có thể đổi bằng cái chết nên mới không bị khai thác".

Gỗ không còn, rễ cũng bị đào bới cạn kiệt, thậm chí bây giờ người ta còn đi nhặt cả những mảnh gỗ răm, mảnh vỡ về bán với giá 200.000 đồng/kg. Những gia đình nào ở Hữu Liên còn giữ được một khúc gỗ hoàng đàn thì xem như báu vật. Họ cất kỹ trên gác nhà sàn hoặc chôn sâu dưới nền nhà. Anh Quýnh lấy thang trèo lên gác nhà lấy cho tôi xem một khúc gỗ hoàng đàn to bằng cổ tay, dài khoảng 20cm, đầu có màu đen, tỏa ra mùi thơm thoang thoảng. Anh bảo: "Chỉ cần một cú điện thoại, lát sau có người vào lấy ngay với giá 4 - 5 triệu đồng, nhưng tôi giữ lại như một kỷ vật của gia đình".

Cây hoàng đàn đã gần như tuyệt diệt trong tự nhiên, nhưng may mắn là hơn hai chục năm qua, hàng chục hộ gia đình ở Hữu Liên đã lấy cây non trên núi về trồng trong vườn nhà. Cho đến nay, đã có 19 cây có đường kính trên 30cm được trồng ở 15 hộ gia đình. Nhiều cây trong số đó ra quả quanh năm và được các cán bộ của Viện sinh thái tiến hành trồng cấy. Mặc dù tỷ lệ sống còn khá thấp (khoảng 25%) nhưng cũng phần nào mở ra hướng bảo tồn nguồn gen hoàng đàn Hữu Liên quý hiếm.

Không giấu được sự trầm ngâm trên nét mặt, ông Hoàng Minh Luật chỉ vào mấy gốc bầu hoàng đàn mới bị đánh cắp tâm sự: "Vận động người dân giữ hoàng đàn là giữ nguồn gen quý cho công tác nghiên cứu khoa học, nhân giống sau này, nhưng với cơn sốt hoàng đàn hiện nay thì điều này không đơn giản. Người dân trồng hoàng đàn được vài năm đã có thương lái hỏi mua với giá 40 triệu đồng/cây, loại cây giống mới nảy mầm từ hạt còn trong bầu có giá 1,5 triệu đồng/cây. Thế nên, trong khi chờ sự quan tâm xác đáng hơn từ phía các cơ quan chức năng thì hoàng đàn Hữu Liên vẫn đang khắc khoải từng ngày".   

theo người đưa tin

"